Kế hoạch ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc và hàm ý với Việt Nam

“Trung Quốc là gã khổng lồ đang ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới” – Lời cảnh báo này của Hoàng đế nước Pháp Napoléon Bonaparte đã trở thành sự thật sau hơn 2 thế kỷ.

 

Kế hoạch ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc và hàm ý với Việt Nam

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành một thế lực có ảnh hưởng toàn cầu. Kinh tế quốc gia này vươn lên vị trí thứ 2 thế giới và đe dọa vị thế số 1 của Mỹ. Đây là điều mà những thập niên trước thật khó có thể tưởng tượng. Thuật ngữ “Made in China” là một câu nói đã quá quen thuộc dùng để mô tả vô vàn những đồ đạc có nguồn gốc được sản xuất tại Trung Quốc. Thực tế, một kế hoạch kinh tế có tên tương tự đã được triển khai – Made in China 2025 (MIC25) – với tầm nhìn và mục tiêu nhằm biến Trung Quốc thành siêu cường chế tạo hàng đầu thế giới. Bài viết dưới đây sẽ góp phần nhìn lại quá trình, làm rõ hơn bản chất, triển vọng cũng như những tác động của MIC25, từ đó có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo.

Hoàn cảnh ra đời của MIC25

Thuật ngữ “Made in China 2025” (MIC25) được cố Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra trong bản báo cáo công tác chính phủ năm 2015. Cụ thể, tháng 5/2015, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố MIC25 là sáng kiến quốc gia từ năm 2015 đến 2025, tạo dựng nền tảng quan trọng cho các tham vọng lớn hơn vào các mốc thời gian năm 2035 và 2049[1]. Lý do cấp thiết mà Trung Quốc đưa ra MIC25 là do sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – công nghệ quốc tế và những hạn chế về sức cạnh tranh của ngành công nghiệp nước này. MIC25 là kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại hóa các ngành công nghiệp truyền thống để trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới.

Đầu tiên, MIC25 xác định 9 nhiệm vụ ưu tiên để phát triển công nghiệp Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2025. Bao gồm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nền tảng công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu, công nghiệp xanh, đột phá trong 10 ngành then chốt, tái cơ cấu, phát triển dịch vụ liên quan đến công nghiệp, quốc tế hóa sản xuất [2]. Tiếp theo, chiến lược tập trung vào 5 dự án then chốt: Xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển trên khắp Trung Quốc (40 sẽ được xây dựng vào năm 2025); Phát triển dự án cao cấp trên tất cả các ngành công nghiệp trọng điểm; Sản xuất bền vững và thực tiễn sản xuất xanh hàng đầu thế giới; Sản xuất thông minh bao gồm robot và số hóa; Sản xuất vật liệu mới ít phụ thuộc hơn.

Ngoài ra, MIC25 đặt ra nguyên tắc sản xuất là đổi mới sáng tạo phải định hướng phát triển nền công nghiệp, ưu tiên chất lượng hơn số lượng, đảm bảo phát triển xanh, tối ưu hóa cơ cấu ngành, nuôi dưỡng tài năng nhân lực. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy cần tránh tình trạng “thoái hóa công nghiệp sớm” hay còn gọi là bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, MIC25 chủ trương cải thiện vị trí của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đến năm 2025 sẽ tiến gần tới việc trở thành quốc gia thu nhập cao [1].

Trong đó, việc “quốc tế hóa sản xuất” nghĩa là Trung Quốc không quá quan trọng vai trò “công xưởng của thế giới” vì sản xuất tốn kém năng lượng, nhân công, gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên và giá trị gia tăng không nhiều. Thay vào đó, Trung Quốc muốn phát triển những ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn. Thực tế, mặc dù được coi là công xưởng của thế giới, nhưng ngành chế tạo Trung Quốc chỉ đứng ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị và hàm lượng công nghệ, lợi nhuận chủ yếu thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, MIC25 là công cụ để Trung Quốc thay đổi thực trạng đó.

Tuy nhiên, MIC25 cũng đang tác động đến các nước phát triển xung quanh như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Việt Nam. Thứ nhất, ngay khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu và công nghệ thấp, sẽ dẫn đến chuyển dịch các ngành công nghiệp lao động nhiều như dệt may, thiết bị điện giá rẻ sang các nước xung quanh. Thứ hai, khi Trung Quốc thải loại các thiết bị công nghệ lạc hậu, nó cũng sẽ được đẩy sang các nước Đông Nam Á. Nếu không có chính sách quản lý phù hợp, các nước tiếp nhận những thiết bị đó của Trung Quốc sẽ rơi vào tình cảnh “bãi rác” công nghệ, đặc biệt là Việt Nam do gần Trung Quốc về mặt địa lý [3].

Nhìn chung, MIC25 là chiến lược tham vọng nhằm đưa Trung Quốc thành siêu cường công nghiệp hàng đầu thế giới. Nó đòi hỏi Trung Quốc phải đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các ngành sản xuất, tránh rơi vào tình trạng lạc hậu. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, MIC25 cũng đặt ra thách thức cho các nước xung quanh trong việc phát triển ngành công nghiệp của họ.

Mục tiêu chiến lược và phương hướng trọng tâm của MIC25

Mục tiêu trọng tâm của MIC25 

Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhất là từ sau cải cách, mở cửa, ngành công nghiệp, sản xuất nước này đã phát triển nhanh chóng, tuy lớn nhưng chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các quốc gia phương Tây. Hiệu quả về nguồn lực và trình độ hóa chưa cao. Những vấn đề trên đã tác động sâu sắc vào nhận thức của giới chức lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc, buộc quốc gia này phải chuyển mình.

“Made in China 2025” là kế hoạch hành động 10 năm đầu tiên, đặt nền móng để Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành cường quốc sản xuất vào năm 2049. Đây là cột mốc kỉ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949-2049). Kế hoạch tổng thể này chia làm 3 giai đoạn bao gồm: [10]

– Giai đoạn 1 (từ 2015-2025): Trung Quốc lọt vào nhóm các nước chế tạo, sản xuất tiên tiến.

– Giai đoạn 2 (từ 2026-2035): Có mặt trong các quốc gia công nghiệp phát triển.

– Giai đoạn 3 (từ 2036-2049): Trở thành cường quốc chế tạo số một thế giới.

Có thể thấy, MIC25 là chiến lược tạo dựng nền móng cho tham vọng xa hơn – nhân kỷ niệm 100 năm lần thứ hai của quốc gia tỉ dân này, đồng thời đặt nền móng vững chắc để hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc.

Thứ nhất, MIC25 giúp Trung Quốc thoát khỏi vai trò cung cấp nhân công và tài nguyên rẻ cho thế giới. Trong nhiều năm qua, dù là công xưởng lớn nhất thế giới, Trung Quốc chỉ đóng vai trò lắp ráp sản phẩm với công nghệ thấp, giá trị gia tăng không cao trong khi lợi nhuận chính thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. MIC25 giúp Trung Quốc chủ động hơn về công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển bền vững [5].

Thứ hai, thông qua MIC25, Trung Quốc giải quyết nguy cơ “thoái hoá công nghiệp sớm” hay còn gọi là bẫy thu nhập trung bình. Nền công nghiệp của Trung Quốc hiện vẫn còn ở mức độ trung bình, thấp so với các nền công nghiệp phát triển. Vì vậy, MIC25 được triển khai để hiện đại hoá sản xuất theo hướng công nghệ cao hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội ở Trung Quốc [4].

Cuối cùng, MIC25 thể hiện tham vọng của Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp số một thế giới. Với dân số đông và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có tiềm năng trở thành siêu cường về sản xuất – chế tạo và MIC25 là bước đi chiến lược để hiện thực hoá tham vọng đó.

Các phương hướng trọng tâm của MIC25 

Để đạt được mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới, MIC25 đề ra các phương hướng trọng tâm sau:

Thứ nhất, MIC25 nhấn mạnh phát triển 10 ngành công nghiệp then chốt, bao gồm công nghệ thông tin, robot, năng lượng xanh, hàng không vũ trụ, tàu biển công nghệ cao, thiết bị đường sắt, thiết bị năng lượng, vật liệu mới, thiết bị y tế và máy móc nông nghiệp. Đây đều là những lĩnh vực then chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việc làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong các ngành này sẽ giúp Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua công nghiệp thế giới [7].

Thứ hai, MIC25 chú trọng nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng 40 trung tâm nghiên cứu, thiết lập hệ thống sản xuất thông minh tích hợp công nghệ số, tự động hóa quy trình sản xuất để tăng năng suất và chất lượng [7].

Thứ ba, MIC25 nhấn mạnh phát triển bền vững, sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điều này phù hợp xu thế phát triển toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó, MIC25 còn chú trọng đào tạo nhân lực, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tham gia xây dựng các chuẩn quốc tế để nâng cao vị thế của Trung Quốc [7].

Như vậy, có thể thấy MIC25 đã đề ra chiến lược cụ thể và bài bản để biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới trong tương lai gần. Mô hình này chắc chắn sẽ có những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp tới các nền kinh tế khác trên toàn cầu.

Thành công và hạn chế của MIC25

Đánh giá các kết quả đạt được của MIC25

Sau gần 9 năm triển khai, MIC25 đã giúp Trung Quốc đạt được một số thành tựu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách nhất định so với các mục tiêu ban đầu.

Thứ nhất, về mặt công nghệ, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ vào GDP tăng từ 55,3% năm 2015 lên 65,3% năm 2023, vượt mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Trung Quốc cũng đã tự chủ được nhiều công nghệ then chốt trên các lĩnh vực như: 5G, trí tuệ nhân tạo, thiết bị y tế, phương tiện giao thông thông minh,… Năng lực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp tăng nhanh, với số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế tăng gấp đôi từ 68.720 năm 2015 lên 135.110 năm 2023. Tuy nhiên, khả năng làm chủ công nghệ cốt lõi vẫn là thách thức lớn với Trung Quốc. Tỷ trọng nội địa hóa đối với các linh kiện, nguyên vật liệu then chốt mới đạt khoảng 50%, chưa áp sát mục tiêu 70% vào năm 2025. Đặc biệt với chip bán dẫn, tỷ lệ tự cung tự cấp của Trung Quốc mới ở mức 20% [5].

Thứ hai, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển. Tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế ở nhiều ngành chỉ đạt 30-40%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến chất lượng sản phẩm Trung Quốc chưa cao là do các doanh nghiệp nước này vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất hàng loạt, ít chú trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển và kiểm soát chất lượng. Hơn nữa, văn hóa kinh doanh của Trung Quốc còn thiên về “số lượng” chứ chưa chú trọng nâng cao “chất lượng” sản phẩm. Do vậy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư công nghệ nhưng sản phẩm Trung Quốc vẫn tồn tại những hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa tỏ ra vượt trội. Đây cũng là một điểm yếu cần được khắc phục nếu MIC25 muốn thành công như mong đợi [6].

Thứ ba, về cơ bản Trung Quốc đã hoàn thành được các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên theo MIC25, song vẫn còn thiếu tính đồng bộ. Cụ thể, các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, xe điện, vật liệu mới có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng hay nông nghiệp thông minh vẫn còn chậm và yếu [4].

Trung Quốc vài năm gần đây khá mập mờ và hạn chế nhắc đến số liệu cụ thể trong các báo cáo hay văn bản về tiến độ đạt được của kế hoạch MIC25. Đáng nói vào cuối năm 2018, trong bản hướng dẫn được gửi đến chính quyền địa phương được đăng tải trên trang thông tin chính phủ nước này, Trung Quốc đã bỏ cụm từ “Made in China 2025”. Dường như, Bắc Kinh đã hạ nhiệt với ngọn lửa tham vọng mang tên Made in China 2025.

Như vậy, sau gần 9 năm triển khai MIC25, mặc dù Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể về mặt công nghệ và phát triển ngành công nghiệp, nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định so với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025. Các chỉ tiêu về nội địa hóa công nghệ cốt lõi, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển đồng đều các ngành công nghiệp ưu tiên vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong các năm tiếp theo.

Các mặt thách thức của Trung Quốc

Sau gần 9 năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực, MIC25 của Trung Quốc cũng bộc lộ một số thách thức và hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất, tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump đến kết quả của MIC25.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra dưới thời Tổng thống Donald Trump đã có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả của MIC25. Sau khi Donald Trump lên nắm quyền, nhằm theo đuổi mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, ông đã có những động thái thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc, và xem đây là đối thủ cạnh tranh hàng đầu với Mỹ về kinh tế và công nghệ.

Đầu tiên, các hàng rào thương mại do Donald Trump đưa ra, bao gồm thuế quan cao hơn đối với hàng hoá Trung Quốc, cấm cửa các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc như Huawei, đã ảnh hưởng xấu đến tiến độ xuất khẩu của nước này, kể cả các sản phẩm công nghệ cao đang được đẩy mạnh theo MIC25. Điều này làm chậm tốc độ gia tăng thị phần toàn cầu cho những ngành công nghiệp ưu tiên của MIC25.

Tiếp theo là việc Trump yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc hoặc cấm sử dụng một số công nghệ của Trung Quốc cũng gây khó khăn đối với mục tiêu chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của MIC25. Đồng thời, cuộc chiến thương mại buộc Trung Quốc phải tập trung đối phó với áp lực thương mại, làm chệch hướng hoạt động nghiên cứu & phát triển công nghệ khi thực hiện MIC25.

Tuy nhiên, ngược lại, căng thẳng Mỹ-Trung đã khiến Trung Quốc quyết tâm cao hơn trong việc đẩy mạnh tiến độ nội địa hoá công nghệ then chốt, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Việc Trump cấm vận một số công ty công nghệ Trung Quốc cũng khiến Bắc Kinh nỗ lực phát triển những ngành thay thế như vật liệu linh kiện bán dẫn.

Như vậy, tổng thể nhìn nhận, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có những tác động hai chiều đối với MIC25. Trong ngắn hạn, nó gây cản trở đáng kể tới việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao hoặc việc chuyển giao công nghệ từ bên ngoài. Tuy nhiên trong dài hạn, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nỗ lực tự cường công nghệ của Trung Quốc thông qua MIC25.

Để đạt mục tiêu cuối cùng trở thành cường quốc sản xuất công nghệ hàng đầu, Bắc Kinh sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện MIC25 bất chấp áp lực từ Mỹ, châu Âu hay các nền kinh tế khác. Chỉ khi nào hoàn thành được những khâu khó của MIC25, Trung Quốc mới có thể vững vàng trước sức ép kinh tế chính trị từ bên ngoài. Do đó, tác động ngắn hạn của chiến tranh thương mại có thể khiến MIC25 đi chậm lại nhưng không thể đánh bại được tinh thần thực hiện nó trong dài hạn.

Thứ hai, mục tiêu nội địa hóa công nghệ then chốt vẫn là thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc.

Theo kế hoạch đến năm 2025, tỷ trọng nội địa hóa các linh kiện, nguyên vật liệu cốt lõi phải đạt 70%. Tuy nhiên cho đến nay, con số này mới chỉ đạt khoảng 50%. Trong cuộc đua Chip bán dẫn, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng chú ý. Đặc biệt vào năm 2017, Tiến sĩ Lương Mạnh Tùng người được cho từng là bộ não của TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Ltd) đã đầu quân sang SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) của Trung Quốc. Đây là sự bổ sung nhân sự chuyên môn chất lượng cao đối với ngành bán dẫn của Đại Lục. Sự xuất hiện của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đa nền tảng về chip bán dẫn đang tạo ra những ưu thế mới cho Trung Quốc. Mặc dù vậy, vấn đề chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc vẫn còn cần thêm thời gian để cải thiện.

Thứ ba, về cơ bản Trung Quốc đã hoàn thành được các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên theo MIC25, song vẫn còn thiếu tính đồng bộ. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến sự phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên còn chưa đồng bộ là do Trung Quốc đầu tư theo chiều rộng chứ chưa tập trung vào những ngành then chốt. Cụ thể, MIC25 đề ra 10 ngành công nghiệp ưu tiên với kỳ vọng sẽ đột phá đồng loạt. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên một số ngành cần được chú trọng hơn. Điều này dẫn tới tình trạng các ngành có liên quan mật thiết đến đời sống xã hội như công nghệ thông tin, y tế, giao thông phát triển nhanh hơn. Trong khi các ngành có tính chiến lược nhưng đòi hỏi đầu tư cao, công nghệ phức tạp vẫn còn chậm[3]. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc Chính phủ Trung Quốc đầu tư quá lớn vào MIC25 đã làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. Một mặt, chi phí cho MIC25 làm gia tăng gánh nặng tài khoá, nợ công và rủi ro tài chính của Trung Quốc. Mặt khác, nguồn lực phân tán khiến các ngành khác phát triển chậm hơn so với tiềm năng[4].

Để MIC25 thực sự thành công và Trung Quốc trở thành siêu cường công nghiệp – công nghệ như kỳ vọng, các cơ quan hoạch định chính sách của nước này cần sớm có giải pháp khắc phục các hạn chế kể trên. Cải cách môi trường đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dung hòa được lợi ích quốc gia với lợi ích thế giới, đó là những điều kiện tiên quyết để Trung Quốc hoàn thành MIC25.

Khả năng và mức độ hoàn thành MIC25 của Trung Quốc

Dựa trên kết quả đạt được sau gần 9 năm và phân tích những hạn chế đang tồn tại, có thể dự báo về triển vọng hoàn thành MIC25 của Trung Quốc như sau:

Đến năm 2025, một số mục tiêu của MIC25 về cơ bản sẽ được hoàn thành, nhất là khía cạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, xe điện của Trung Quốc có thể sẽ có được vị thế hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng làm chủ được nhiều công nghệ then chốt, bắt nhịp được xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, mục tiêu nội địa hóa tỷ lệ 70% linh kiện, nguyên vật liệu cốt lõi dường như là quá tham vọng và khó có thể đạt được vào năm 2025 [2]. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với MIC25 lúc này. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa.

Sau khi tổng kết MIC25 vào năm 2025, rất có thể Trung Quốc sẽ đưa ra một kế hoạch tương tự cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2035 nhằm tiến thêm một bước lớn để hiện thực hóa mục tiêu trở thành siêu cường công nghiệp công nghệ vào năm 2049 nhân kỉ niệm 100 năm thành lập nước. Các tham vọng lớn khác có thể là phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hay thậm chí là công nghệ nano, sinh học tổng hợp trong tương lai [3].

Nhìn chung, các tham vọng công nghiệp hóa hiện đại hóa của Trung Quốc là rất lớn và MIC25 chỉ là bước đầu tiên. Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi Trung Quốc phải giải quyết triệt để các hạn chế về nguồn lực và cơ chế chính sách hiện nay.

Đánh giá tổng quan

Sự thành bại của Made in China 2025 vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy vậy, sau 9 năm triển khai thực hiện, có thể thấy MIC25 đã giúp Trung Quốc đạt được những bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa công nghiệp và nâng cao năng lực công nghệ. Trung Quốc đã làm chủ được nhiều công nghệ then chốt, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ ngoại nhập. Các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, xe điện đều có bước phát triển vượt bậc. Trung Quốc cũng thành công khi lôi kéo được các nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ cao tới Đại Lục cống hiến. Điều này nâng cao vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Tuy nhiên, để thực sự đạt được các mục tiêu về trở thành siêu cường sản xuất – công nghệ, Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều thách thức, chất lượng sản phẩm và khả năng làm chủ công nghệ then chốt. Vì vậy, trong các năm tiếp theo, Chính phủ Trung Quốc sẽ cần có các giải pháp tổng thể để khắc phục những hạn chế còn tồn tại của MIC25.

MIC25 chỉ mới là bước đầu tiên của Trung Quốc trên hành trình trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu. Các tham vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước này còn rất lớn và đòi hỏi nước này phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc Trung Quốc thực hiện thành công MIC25 sẽ có tác động lớn đến kinh tế – chính trị toàn cầu.

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch Made in china 2025 mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp – công nghệ:

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp bài bản, tầm nhìn dài hạn, được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Hiện tại, Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng cùng vào ngày 9/6/2014, bao gồm: Quyết định số 879/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 880/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã được xây dựng dựa trên đánh giá kỹ lưỡng thực trạng ngành công nghiệp Việt Nam, xu hướng phát triển của thế giới, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời, cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu của đất nước để đưa ra các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Các chiến lược này cần được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động và triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Các bộ ngành, địa phương liên quan cũng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch riêng phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của mình. Việc này nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong triển khai.

Thứ hai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần có cơ chế thu hút nhân tài, khuyến khích đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy phát triển công nghệ. Cụ thể, Việt Nam cần có các chính sách đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thuận lợi để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Các cơ quan nghiên cứu, trường đại học cần có chính sách tiền lương, thưởng hấp dẫn, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, môi trường học thuật tự do để thu hút các nhà khoa học, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thu hút nhân tài bằng chế độ đãi ngộ cao, cơ hội thăng tiến và cổ phần hoá. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển, khoa học công nghệ. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho việc đăng ký, bảo hộ đối với sản phẩm trí tuệ của cá nhân và doanh nghiệp.

Thứ ba, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được công nghệ tiên tiến và thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao vào các lĩnh vực then chốt. Cụ thể, Việt Nam cần chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA thế hệ mới) như CPTPP hay EVFTA, qua đó mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời thu hút được nhiều nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực then chốt, đặc biệt, cần chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất và khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế trong nước.

Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề như bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp, tránh tình trạng trở thành nơi nhập khẩu các công nghệ cũ, lạc hậu, không còn phù hợp với xu thế từ các cường quốc công nghiệp trên thế giới. Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước để khai thác cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất khu vực.

Nhìn chung, thành công của kế hoạch Made in China 2025 đem đến nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược phù hợp, bài bản và thực hiện một cách kiên trì, nhất quán.

Theo LẠI THỊ THẢO / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG 

————————-

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. https://www.inas.gov.vn/1273-chien-luoc-made-in-china-2025-cua-trung-quoc-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html. Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10. Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.
2. Glaser, Bonnie S., “Made in China 2025 and the Future of American Industry”, Center for Strategic and International Studies (CSIS), Statement before the Senate Small Business and Entrepreneurship Committee, February 27, 2019.
3. Institute for Security&Development Policy, “Made in China 2025 Backgrounder”,2015,https://isdp.eu/content/uploads/2018/06/Made-in-China-Backgrounder.pdf.
4. Meidan, Michal et al (2021), “Key issues for China’s 14th Five Year Plan”,The Oxford Istitute for energy studies, March, 2021, https://www.oxfordenergy.org/wpcms/wp-content/uploads/2021/03/Key-issues-for-Chinas-14th-Five-Year-Plan.pdf.
5. Naughton (2021), “The rise of China’s Industrial Policy 1978-2020”,‎ Academic Network of Latin America and the Caribbean on ChinaPublisher, https://dusselpeters.com/ CECHIMEX/Naughton2021_Industrial_Policy_in_China_CECHIMEX.pdf.
6. US Chamber of Commerce (2017), “Made in China 2025 Global Ambitions Built On Local Proctections”,US Chamber of Commerce, https://www.uschamber.com/report/made-china-2025-global-ambitions-built-local-protections-0.
7. Wubbeke et all (2016), “Made in China 2025 The making of a high-tech superpower and consequences for industrial countries”,Mercator Institute for China Studies, https://www. merics.org/sites/default/files/2017-09/MPOC _No.2_Madein China2025.pdf.
8. Zenglein, Max J.& Holzman, Anna (2019), “Evolving Made in China 2025: China’s industrial policy in the quest for global tech leadership”,Mercator Institute for China study, July 2019, https://merics.org/sites/default/files/2020-04/MPOC_8_MadeinChina_2025_final_3.pdf.
9. Thu Thảo (2018). Kế hoạch ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc có đáng lo. https://thanhnien.vn/ke-hoach-made-in-china-2025-cua-trung-quoc-co-dang-lo-185812909.htm.
10. Quốc vụ viện Trung Quốc, Thông báo của hội đồng nhà nước về việc ban hành “Made In China 2025”, ngày 19 tháng 05 năm 2015 https://www.gov.cn/zhengce/content/2015-05/19/content_9784.htm